Một số nét cơ bản Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà báo cách mạng

26 tháng 1, 2018
Báo chí Việt Nam đang hàng ngày, hàng giờ tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là yếu tố quan trọng không thể thiếu được trong thời kỳ cách mạng mới, trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, trong sự nghiệp giao lưu - phát triển kinh tế - văn hoá trong các vùng miền cả nước và bạn bè quốc tế, trong cuộc đấu tranh hoà bình vì hạnh phúc chân chính của con người trên phạm vi toàn thế giới.

Báo chí nước ta hiện nay có khoảng gần 500 cơ quan báo chí với hơn 600 sản phẩm báo in; một Đài truyền hình khu vực, 63 đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố; hơn 606 Đài Truyền thanh cấp huyện, thị xã, trong đó có gần 300 đài phát sóng FM, hơn 800 trạm dẫn tiếp truyền hình cơ cở. Đội ngũ những người được cấp thẻ nhà báo lên tới hơn 10 nghìn người.

Có thể nói, chưa bao giờ báo chí nước ta lại phát triển mạnh mẽ, đông đảo cả về số lượng và chất lượng như hiện nay. Nước ta trong giai đoạn cách mạng mới báo chí có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, phản ánh chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân và các lĩnh vực chính trị  - tư tưởng, kinh tế - văn hoá - xã hội.

Do báo chí có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng nên trong Văn kiện Đại hội Đảng các khoá đều chỉ rõ nhiệm vụ phải xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí cả về bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ, phẩm chất đạo đức. Đó là những đòi hỏi cao và cấp bách đối với những người làm báo, cũng là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển về chất lượng và hiệu quả của hệ thống thông tin đại chúng nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ những người làm báo là những người nắm bắt được rất nhiều thông tin, cả mặt tích cực và đặc biệt là mặt trái, tiêu cực xã hội do cơ chế thị trường đem lại. Nếu không giữ được lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng và tính khách quan trong công việc, các nhà báo sẽ bị đe doạ rơi vào một trong hai trạng thái hai cực của những người nắm nhiều thông tin "âm tính" hoặc là chính họ bị lôi kéo vào vòng xoáy của hiện tượng tiêu cực, lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi, kiếm tiền bất chính, vi phạm pháp luật, bất chấp đạo đức nghề nghiệp.

Chính vì thế trên mặt trận báo chí nước ta hiện nay, hơn bao giờ hết cần có những nhà báo cách mạng. Đòi hỏi những người làm báo cần phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà báo cách mạng, là chiến sĩ cách mạng với đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng được thể hiện qua cây bút, trang giấy.

Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, Bác Hồ nhấn mạnh về người làm báo cách mạng, trước hết phải là chiến sĩ cách mạng. Có nghĩa là người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang, chứ không phải để "Lưu danh thiên cổ".Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"; "Bài báo là tờ hịch cách mạng". Người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hoá là gì?

Tại Đại hội này, Bác nhận xét: "Ưu điểm của các nhà báo là cơ bản, nhưng khuyết điểm thì cũng nhiều" và một trong những khuyết điểm đó là: "Nắm vấn đề chính trị không được vững chắc", Bác yêu cầu: "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".

Bác đặt vấn đề người làm báo trước khi viết phải xác định cho được tiêu chí đầu tiên là: Viết cho ai? Viết để làm gì?. Viết mà không rõ đối tượng, không rõ mục đích, không rõ nội dung cần đề cập là cái gì thì không thể tránh khỏi lạc đề, lạc điệu, lạc giọng.

Khi giảng ở lớp chỉnh Đảng Trung ương năm 1953, Bác đã nêu rất cụ thể: "Viết cho ai?: Viết cho đại đa số Công - Nông - Binh; Viết để làm gì?: Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng; Viết cái gì?: Trong vấn đề nội dung cũng phải có lập trường vững vàng ta, bạn, thù mới đúng. Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu, nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại, có thể nào nói thế ấy.

Bộ đội, nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn, chứ không phải để địch lợi dụng nó để phản tuyên truyền.

Bác cũng chỉ rõ cách viết: Trước hết cần phải tránh lối viết "rau muống" nghĩa là lằng nhằng, "trường giang đại hải" làm cho người xem như là "chắt chắt vào rừng xanh". Mình viết cốt là "để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ".

Như vậy người làm báo cách mạng theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện cụ thể ở cách viết và lối viết. Đây chính là những vấn đề mang tính cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, nhà báo cách mạng, nó được biểu hiện qua phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thể hiện qua ngòi bút trang giấy.

Tư tưởng của Bác về báo chí là tài sản tinh thần to lớn cực kỳ quan trọng đối với báo chí cách mạng nước ta. Là cơ sở phương pháp luận cho hoạt động của báo chí nước ta trong suốt tiến trình cách mạng. Việc học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng và nhà báo là chiến sĩ cách mạng trong điều kiện hiện nay là một nhân tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho sự phát triển vững vàng cả về lượng và chất cho nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời là kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta đối với các hoạt động, phát triển báo chí nước ta trong giai đoạn mới.

                                                                                                                    Nhà báo Nguyễn Hùng

Phó tổng biên Tập Tạp chí Khoa học

Và Công nghệ Lâm nghiệp


Chia sẻ